Các giai đoạn cải tạo Cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế

12 quận cũ của Paris

Các giai đoạn tiến hành dự án cải tạo Paris phản ảnh sự biến động của thời kì Đệ nhị đế chế: kế hoạch được thực hiện mạnh cho đến năm 1859, từ năm 1860 trở đi nó được tiến hành yếu hơn. Một phần dự án còn tiếp tục được thực hiện dưới thời Đệ tam cộng hòa sau khi Haussmann và Napoléon III đã không còn quyền lực.

Từ năm 1852 đến năm 1870 đã có 20.000 ngôi nhà bị phá hủy, 40.000 ngôi nhà khác được xây mới. Vùng ngoại ô của Paris "mới" mở rộng đến tận các chiến luỹ được Adolphe Thiers xây dựng năm 1844. 12 quận cũ được thay bằng 20 quận mới.

Mạng lưới đường mới

Khi Rambuteau cho xây dựng con đường mới ở trung tâm thành phố, người dân Paris đã phải ngạc nhiên vì chiều rộng của nó: 13 mét. Tuy nhiên Haussmann đã chuyển con phố Rambuteau này xuống hạng đường loại hai và cho thiết lập một mạng lưới đường loại một mới với chiều rộng 20, thậm chí là 30 m. Mạng lưới đường này cho đến nay vẫn là xương sống cho quy hoạch đô thị của Paris.

Trục lớn Bắc-Nam và Đông-Tây

Từ năm 1854 đến năm 1858, tận dụng thời gian Napoléon III đang có quyền lực tối thượng, Haussmann đã thực hiện kế hoạch táo bạo tái quy hoạch khu trung tâm Paris bằng các trục đường mới. Trục Bắc-Nam kéo dài từ đại lộ Sébastopol đến đại lộ Saint-Michel đã xoá sổ rất nhiều con đường và ngõ hẻm trên bản đồ Paris và tạo ra một chữ thập lớn ở Châtelet với phố Rivoli vốn cũng được kéo dài đến phố Saint-Antoine.

Trong cùng thời gian, Baltard cũng tiến hành xây dựng khu Les Halles, một phần dự án cũ của Rambuteau. Các công trình trên Île de la Cité, đặc biệt là các cây cầu, cũng được cải tạo và xây dựng lại.

Haussmann cũng hoàn thành các trục đường nối liền vành đai đại lộ với trung tâm như phố Rennes trên bờ trái và đại lộ Opéra trên bờ phải. Trong số này phố Rennes, theo dự án sẽ nối liền với sông Seine, đã không bao giờ được hoàn thành.

Vành đai đại lộ

Các trục chính được tạo hoặc thay đổi từ 1850 tới 1870

Tiếp tục công trình của vua Louis XIV, Haussmann mở rộng các đại lộ lớn có sẵn và mở thêm một số đại lộ mới như đại lộ Richard-Lenoir. Một số trục mới được xây dựng đã nối liền các đại lộ có từ thời Louis XIV với các đại lộ chạy dọc bức tường Thuế quan; đại lộ Haussmann và nhánh phải của phố La Fayette (hoàn thành một phần trước năm 1870) đảm bảo giao thông cho khu Opéra với các quận bên ngoài; đại lộ Voltaire tạo thành đường vòng cho khu trung tâm từ quảng trường Nation.

Trên bờ trái sông Seine, do các "đại lộ phía Nam" (boulevards du midi - chạy xuyên qua quảng trường Italie, quảng trường Denfert-RochereauMontparnasse) nằm quá xa trung tâm nên Haussmann quyết định thành lập một trục mới theo hướng Đông-Tây. Ông mở rộng gấp đôi phố Écoles và cho xây dựng đại lộ Saint-Germain chạy dọc bờ trái.

Các quận ngoại vi

Trong những năm cuối trên cương vị tỉnh trưởng tỉnh Seine, Haussmann bắt đầu quy hoạch lại các quận mới được thành lập từ những sáp nhập vào thủ đô năm 1860. Ông cũng cho xây dựng một con đường dài chạy quanh co qua các quận 19, 2012, bao gồm các phố Simon-Bolivar, Pyrénéesđại lộ Michel-Bizot. Các khu phố phía Tây được hưởng lợi nhiều nhất từ sự mở rộng này: 12 đại lộ mới được xây dựng, phần lớn dưới thời Đệ nhị đế chế, nối liền với quảng trường Étoile.

Một số trục đường mới khác như đại lộ Daumesnil hay đại lộ Malesherbes cho phép đi qua các quận ngoại vi về hướng trung tâm Paris.

Các quảng trường - giao lộ

Giao lộ giữa các đại lộ lớn cho phép tạo ra các quảng trường mới. Châtelet, công trình của Davioud, được tạo thành bởi sự giao nhau của hai trục Bắc-Nam và Đông-Tây của Paris. Dự án của Haussmann cũng tạo ra nhiều quan trường mới cho Paris như Étoile, Léon-Blum, Cộng Hòa hay Alma.

Các nhà ga

Quảng trường Étoile

Năm 1855 Haussmann cho xây dựng ga Lyon, 10 năm sau Gare du Nord được xây dựng. Haussmann còn dự định nối liền tất cả các ga của Paris bằng đường sắt nội thị nhưng cuối cùng ông phải bằng lòng với việc tạo thuận tiện cho giao thông tới các ga tàu bằng hệ thống trục đường chính. Ga Lyon và Gare de l'Est được nối với phố Lyon, đại lộ Richard-Lenoir và đại lộ Magenta. Hai trục đường song song (phố La Fayette và đại lộ Haussmann - phố Châteaudun và phố Maubeuge) nối Ga de l'Est và Gare du Nord với Ga Saint-Lazare. Trên bờ trái, Ga Montparnasse được nối với phố Rennes.

Các công trình kiến trúc

Napoléon III và Haussmann đều có chung ý tưởng biến Paris thành kinh đô của văn hoá và nghệ thuật với các công trình văn hoá và đài kỷ niệm lớn. Charles Garnier được giao thiết kế nhà hát Opéra theo phong cách chiết trung. Hai nhà hát đối xứng ở quảng trường Châtelet cũng được Gabriel Davioud xây dựng. Hôtel-Dieu và toà án Thương mại được xây dựng thay thế cho các khu phố thời Trung Cổ trên Île de la Cité.

Dưới thời Đệ nhị đế chế, các công trình tôn giáo mới cũng được xây dựng, có thể kể tới Nhà thờ Saint-Eugène (nay là Nhà thờ Saint-Eugène-Sainte-Cécile), Nhà thờ Chúa ba ngôi, Nhà thờ Saint-AmbroiseNhà thờ Saint-Augustin[2].

Hiện đại hoá dịch vụ công cộng

Việc quy hoạch lại các khu nhà của Paris không chỉ giúp lưu thông không khí tốt hơn mà cũng tạo cho người dân điều kiện tiếp xúc với hệ thống nước sạch và xử lý rác thải hiện đại hơn. Năm 1852, nước uống được phần lớn lấy từ sông Ourcq. Nước cũng được chiết suất từ sông Seine nhưng với chất lượng rất thấp. Để cải thiện tình trạng này, Haussmann đã giao cho kỹ sư Eugène Belgrand thiết kế hệ thống cung cấp nước mới cho thủ đô. Hệ thống này bao gồm 600 km máng dẫn nước được xây dựng từ năm 1865 đến năm 1900. Công trình đầu tiên của hệ thống là máng dẫn nước Dhuis chuyển nước từ Château-Thierry về Paris. Các máng dẫn nước của hệ thống sẽ cung cấp nước cho các bể chứa nằm bên trong thủ đô, trong số này bể chứa ở cạnh công viên Montsouris là bể chứa vào loại lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Bên cạnh hệ thống nước uống, Haussmann còn cho thiết lập một hệ thống nước có chất lượng thấp hơn, lấy từ sông Ourcq và sông Seine, để phục vụ cho nhu cầu lau rửa đường và chăm sóc cho các không gian xanh.

Đi đôi với hệ thống dẫn nước là hệ thống thoát nước thải và xử lý rác. Hơn 340 km đường ống thoát nước được xây dựng dưới sự giám sát của Belgrand trong khoảng thời gian từ 1854 đến 1870. Hệ thống này dùng chung cho cả nước mưa và nước thải dân dụng, chúng không còn được thải thẳng ra sông Seine thuộc địa phận Paris mà được dẫn xa khỏi thành phố về phía hạ lưu và thải ra sông ở Asnières. Nước thải ở bờ trái được chuyển sang bờ phải nhờ một đường ống chạy phía dưới cầu Alma.

Cả hai hệ thống này được thiết kế hoàn chỉnh đến mức chúng vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Năm 1855, Napoléon III tổ chức lại hệ thống cung cấp khí đốt của Paris bằng việc thành lập một công ty cung cấp duy nhất để đảm bảo ổn định giá khí đốt.

Các không gian xanh

Trước thời Haussmann, khu trung tâm Paris rất hiếm các không gian xanh vì tuy liên tục mở rộng, không gian xanh vẫn là điều "xa xỉ" với thủ đô nước Pháp vốn luôn lâm vào tình trạng thiếu đất ở. Sau khi quan sát các công viên rộng lớn của Luân Đôn, Napoléon III đã giao cho kỹ sư Jean-Charles Alphand việc quy hoạch các công viên và rừng cây mới cho Paris. Rừng Boulognerừng Vincennes bao bọc thành phố ở phía Tây và phía Đông. Bên trong thành phố, các công viên Buttes-Chaumont, MonceauMontsouris tạo chỗ thư giãn cho người dân Paris ở các khu phố nằm xa 2 rừng cây ở ngoại thành. Ở mỗi khu phố, các công viên nhỏ cũng được thiết lập, hai bên hè của những đại lộ cũng được trồng các hàng cây được cắt tỉa cẩn thận.